Trong nhiều thập kỉ, Hydroquinone được mệnh danh như “thần dược” số 1 trong điều trị nám và trắng sáng làn da. Chỉ cần tra google từ khóa “gold standard of treatment for melasma” (tiêu chuẩn vàng trong điều trị nám) thì có tới 90% kết quả trả về là Hydroquinone. Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, các bác sĩ da liễu đã dè chừng hơn trong việc chỉ định Hydroquinone cho bệnh nhân và dần thay thế bằng các dòng trị nám ưu việt khác. Tại sao lại như vậy? Hãy cùng St.Andrews VN tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
HYDROQUINONE LÀ GÌ? LỊCH SỬ PHÁT MINH HYDROQUINONE TRONG NGÀNH MỸ PHẨM
Hydroquinone là hoạt chất thường được sử dụng để tăng tuổi thọ găng tay cao su cho những người công nhân làm trong các phân xưởng thuộc da vào những năm 1930 tại London. Tuy nhiên, loại găng tay này không chỉ giúp bảo vệ đôi tay của công nhân khỏi các hoá chất độc hại mà còn khiến làn da họ trắng sáng, mờ các vết nám và đốm đen. Điều này đã thôi thúc các nhà khoa học nghiên cứu và khám phá ra hoạt chất giúp trị nám, đặt tên là Hydroquinone. Từ đó, các chế phẩm từ hoạt chất này ra đời và được sử dụng là liệu pháp số 1 để trị nám. Vậy cơ chế trị nám của Hydroquinone là gì?
Trước và sau sử dụng Hydroquinone
CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA HYDROQUINONE
Trước tiên bạn cần hiểu về nám và nguyên nhân gây hình thành nám. Melanin hay sắc tố da là yếu tố quyết định màu da của mỗi người. Theo các báo cáo, melanin là một chất hấp thụ ánh sáng hiệu quả (có thể tiêu tan hơn 99,9% tia UV hấp thu), đóng vai trò chống nắng và bảo vệ da khỏi tia UV hiệu quả. Tuy nhiên, nếu melanin được sản xuất quá nhiều, sẽ bị tích tụ tại vùng nhất định dưới da. Hiện tượng này gọi là nám da. Do đó, muốn điều trị nám da hiệu quả, không cách nào khác là phải ức chế sản sinh hắc sắc tố melanin này.
Phần lớn các nghiên cứu cho rằng Hydroquinone có khả năng điều trị nám là nhờ phá hủy các tế bào hắc sắc tố melanin hiện hữu và ức chế tyrosinase - enzyme xúc tác trực tiếp quá trình sản sinh melanin.
Do đó, trong suốt nhiều thập kỉ, từ những năm 1960, hàng loạt mỹ phẩm chứa Hydroquinone đã ra đời và nhanh chóng lưu hành toàn Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới, trở thành lựa chọn số 1 trong phác đồ điều trị nám.
Tuy nhiên, tại Mỹ, theo FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), số lượng sản phẩm chứa Hydroquinone bỗng giảm không phanh từ 206 sản phẩm (năm 1993) còn 151 (năm 2007) và đến năm 2009 chỉ còn 32 sản phẩm. Nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này?
HIỂM HỌA TIỀM ẨN TỪ HYDROQUINONE
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vào năm 2006, FDA đã đề nghị rút lại công bố từ 1986 về độ an toàn của Hydroquinone sau một số trường hợp gặp phải tác dụng phụ trên người như ngứa, rát, đỏ, khô, nứt nẻ,... thẩm chí gây biến đổi màu da vĩnh viễn tạo nên những vùng da trắng loang lổ hoặc đổi da thành màu xanh đen (bệnh Ochronosis). Tình trạng này chiếm tỉ lệ cao ở người dân da đen châu Phi, ở Hoa Kì và Châu Á chiếm tỉ lệ thấp hơn. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng Hydroquinone thẩm thấu qua da gây bệnh lý ở gan, thận của chuột; gây độc tế bào mạnh, đột biến DNA và nguy cơ ung thư ở người khi sử dụng ở nồng độ cao (2-5%) và tiếp xúc lâu dài.
Cũng trong năm 2006, Viện Da liễu Hoa Kỳ đã gửi kiến nghị với FDA rằng Hydroquinone ở nồng độ 4% sử dụng dưới sự theo dõi và kiểm soát của bác sĩ là an toàn, nhưng thực tế thì sản phẩm có nồng độ Hydroquinone trên 2% là đã được bác sĩ theo dõi và giám sát rồi. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào khẳng định Hydroquinone có khả năng gây bệnh lý ở người, do đó hiện vẫn chưa có kết luận chính thức nào từ FDA.
Trong một báo cáo gần đây nhất của Cosmetic Ingredient Review (CIR) vào năm 2014, nồng độ an toàn cho phép của Hydroquinone trong mỹ phẩm chỉ nên từ 1% trở xuống và sử dụng tối đa trong 4 tháng. Cũng theo báo cáo này, kể cả với nồng độ và cách dùng như vậy thì Hydroquinone cũng chỉ an toàn khi sử dụng ở những dạng mỹ phẩm không lưu lại lâu trên da (như các sản phẩm tẩy rửa chẳng hạn). Ngoài ra, trong các sản phẩm chăm sóc móng thì Hydroquinone vẫn được ghi nhận là an toàn.
Gần đây nhất, năm 2019, Cơ quan Quản lý Y tế Canada khuyến cáo người tiêu dùng tham khảo ý kiến cán bộ y tế trước khi sử dụng các chế phẩm Hydroquinone hàm lượng cao (trên 2%)
Còn tại châu Âu, Hydroquinone chỉ được phép sử dụng trong các sản phẩm sơn móng tay với nồng độ tối đa là 0.02%, không được phép có mặt ở bất kì sản phẩm chăm sóc da, tóc nào. Hiện Hydroquinone cũng bị cấm ở Nhật Bản và Úc.
Độ an toàn của Hydroquinone qua các báo cáo có xu hướng giảm dần và thái độ dè chừng của FDA chính là lý do khiến lượng sản phẩm chứa hydroquinone sụt giảm nghiêm trọng từ 1986 đến nay. Mặc dù FDA chưa cấm lưu hành nhưng nếu là sản phẩm bôi trên da mặt thì bạn nên cẩn trọng khi quyết định sử dụng và nếu có thể hãy lựa chọn một giải pháp kem bôi khác có hiệu quả tốt nhưng an toàn hơn.
Vậy hiện nay đã có sản phẩm nào sở hữu hiệu quả điều trị nám tàn nhang ưu việt như Hydroquinone nhưng lại an toàn trên da, để thay thế Hydroquinone chưa?
Hãy cùng St.Andrews VN tìm hiểu trong bài viết tiếp theo nhé!